Câu chuyện sản phẩm “Tranh lá bồ đề”

Cây bồ đề được xem là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên cây bồ để còn được mọi người biết đến với tên gọi khác là “cây giác ngộ”. Tương truyền về sự tích cây bồ đề kể rằng, đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định dưới bóng cây Bồ đề 49 ngày, sau đó đã giác ngộ được giáo lý của Phật giáo. Sau khi giác ngộ, Đức phật đã đi truyền bá giáo lý khắp các vùng ở châu Á và hướng mọi người đi theo đạo Phật. Vì vậy nhìn thấy cây bồ đề là người ta thấy được sự bình yên và may mắn.

Nình Bình là địa danh nổi tiếng gắn liền với các di tích lịch sử tâm linh như quần thể đền thờ các triều đại Đinh, Tiền Lê – Cố đô Hoa Lư… là địa danh gắn với chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Có thể coi Ninh Bình là vùng đất Phật Giáo của Việt Nam. Cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, người dân xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình đã nghiên cứu, sáng tạo và biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh: Tranh lá bồ đề.

Xuất phát từ ý nghĩa biểu tượng mang giá trị tâm linh của cây bồ đề, thế mạnh của địa phương cùng với khát vọng mong muốn tạo việc làm cho người dân nơi đây, nhóm bạn trẻ quê Gia Sinh – Gia Viễn đã bắt tay nghiên cứu, sáng tạo ra những bức tranh lá bồ đề như ngày nay.

 Chu trình tạo ra sản phẩm tranh lá bồ đề rất kì công. Bước đầu những chiếc lá tươi có hình dáng đẹp được thu hái và lựa chọn, sau đó nguyên liệu được phân loại theo kích thước, hình dáng và màu sắc của từng chiếc lá. Lá được xử lý để lấy xương bằng phương pháp thủ công ngâm trong nước vôi trong khoảng 2 tháng sau đó dùng bàn chải lông mềm chải sạch diệp lục. Tiếp tục lựa chọn và phân loại lá sau khi đã xử lý phần thô. Kết hợp với các chất tạo màu sắc và đặc biệt là công đoạn ghép tranh đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và óc thẩm mỹ được tư vấn hỗ trợ bởi hội đồng tư vấn bao gồm họa sỹ, nhiếp ảnh,thư pháp và các nghệ nhân làng nghề khác. Các bức tranh được ghép từ nhiều chiếc lá đơn – có thể lên đến hàng nghìn chiếc tùy theo kích thước và loại tranh. Tranh được chia thành các phân khúc có nội dung sử dụng khác nhau. Từ đó, nghiên cứu không ngừng từ chất lượng lá, chất lượng nội dung tranh dựa trên sự nghiên cứu tỉ mỉ ở nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Thời gian ghép tranh có thể dao động 4-5 tiếng hoặc 4-5 ngày hoặc vài tháng tùy thuộc vào nội dung, khối lượng, chất lượng và nguyên liệu tạo thành của bức tranh. 

Tranh lá bồ đề là sản phẩm của HTX Sinh dược, đã quy tụ nhiều nghệ nhân của huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình và tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Sản phẩm là kết quả của sự sáng tạo của người dân nơi đây, và dần trở thành sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của vùng đất này. Tranh và các sản phẩm từ lá bồ đề là quà tặng tuyệt vời cho du khách khi đến thăm vùng đất này.Với tinh thần không ngừng học hỏi và sáng tạo trên tinh thần hợp tác và cùng phát triển các nghành nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương, HTX Sinh Dược đã và đang từng bước đưa sản phẩm tranh lá bồ đề không ngừng vươn cao và bay xa tới khắp các vùng miền trong cả nước trên khắp các lĩnh vực thường thức cuộc sống.

 Đội ngũ các bạn trẻ tại Sinh Dược đã khéo léo kết hợp các vật liệu là thế mạnh của thủ công mỹ nghệ tại địa phương. Trong đó có tranh thêu Minh Trang, gốm Bồ Bát, cói Kim Sơn các vật liệu tinh xảo từ gỗ mỹ nghệ hay dát vàng nhằm nâng tầm giá trị của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại địa phương đồng thời đa dạng hóa loại hình sản phẩm của tranh lá bồ đề với mục đích cho ra đời các bức tranh độc bản tạo giá trị nghệ thuật cao đồng thời tạo sự liên kết trong chuỗi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại địa phương.

 Nếu có dịp về thăm quê của chúng tôi – Ninh Bình, trân trọng mời quý khách đến thăm và thưởng thức vẻ đẹp của những chiếc lá bồ đề – qua bàn tay của những nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về văn hóa, tinh thần và kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem các tác phẩm từ lá Bồ Đề

One thought on “Câu chuyện sản phẩm “Tranh lá bồ đề”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »