HTX Sinh Dược và sinh kế bền vững từ văn hóa dược liệu bản địa

HTX Sinh Dược được xuất phát từ nhu cầu giải quyết một vấn đề rất thực tế tại Gia Sinh (tên cũ là Sinh Dược, một xã miền núi tại Ninh Bình – Việt Nam). Tại Gia Sinh, một bộ phận người nông dân gặp khó khăn trên chính đất canh tác của mình khi giá trị của nông sản bấp bênh vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phương thức sản xuất lạc hậu, với độ tuổi lớn (trên 40) họ không được chào đón tại các khu công nghiệp, và phương thức ”cạnh tranh” thường được chọn để có được việc làm tại địa phương là lao động với chi phí rẻ (ví dụ họ chấp nhận mức trả công 6$/8h thay vì 8-10$/8h, không có phụ cấp để có được việc làm). Thực trạng này đang diễn biến và có xu hướng trẻ hóa, những người trẻ 20-40 tuổi cũng đang gặp phải vấn đề này.

Xét về điều kiện văn hóa, xã hội, kinh tế thì Gia Sinh là một địa phương đang phát triển mạnh về du lịch, trọng tâm là du lịch Tâm Linh với quần thể chùa Bái Đính, và khu du lịch sinh thái Tràng An. Với điều kiện đó thì Gia Sinh rất thuận lợi để phát triển các nghành tiểu, thủ công nghiệp phục vụ tiêu dùng xanh, du lịch. Đặc biệt với một lịch sử hình thành từ trước thế kỷ IX, trong quá trình hình thành và phát triển thì dược liệu là một trong những dấu ấn đậm nét, rực rỡ nhất tại thế kỷ thứ X. Hiện tại, các tri thức thảo dược cổ truyền vẫn được người dân địa phương lưu trữ, và ứng dụng trong các sinh hoạt thường ngày.

Để góp phần giải quyết thực trạng và tận dụng những lợi thế trên. HTX Sinh Dược được thành lập, mô hình HTX được lựa chọn bởi tính ưu việt của nó khi phát triển sinh kế gắn với cộng đồng. Tại HTX Sinh Dược, người nông dân tham gia góp vốn, đất hoặc những tri thức về dược liệu bản địa, cùng nhau canh tác những cây trồng quen thuộc, sản xuất các sản phẩm với nền tảng kinh nghiệm dân gian, và mỗi ”xã viên” là một hướng dẫn viên du lịch trên chính mảnh vườn, rừng, núi của mình.

Tại Việt Nam, các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả như HTX là một trong các tiêu chí của ”nông thôn mới”, đây là một chính sách phát triển rất được chính phủ quan tâm, và đã được đưa vào là chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã như Gia Sinh, có HTX hoạt động hiệu quả và đạt ”nông thôn mới”. Các HTX được hỗ trợ thông qua các chương trình như khuyến nông, khuyến công, tiếp cận các nguồn vay ưu đãi (5-6%/năm) …HTX Sinh Dược được hỗ trợ qua 2 chuơng trình khuyến công cấp tỉnh, và cấp quốc gia với tổng số tiền hỗ trợ đến 2017 là 15000USD.

Bước đầu mô hình kinh tế tập thể của Sinh Dược giải quyết được việc làm cho nhóm lao động là những người nông dân tại địa phương, khi họ trở thành ”xã viên” họ có ”cổ phần”, được chia sẻ lợi nhuận, và họ được hưởng các phúc lợi xã hội mà trước đây rất nhiều người chưa từng được tiếp cận như BHXH, BHYT . Đặc biệt, Sinh Dược có 30 lao động, trong đó 60% lao động là nữ giới, độ tuổi trung bình là 35.

Trong mô hình HTX Sinh Dược, người lao động (cả xã viên, và chưa là xã viên) họ cùng nhau thành lập các đoàn thể để nâng cao chất lượng đời sống như Công Đoàn, Chi Đoàn, cùng nhau tổ chức các hoạt động thường niên như thăm quan du lịch; quan tâm, chia sẻ với đời sống người lao động; duy trì chế độ phụ cấp, chăm sóc sức khỏe người lao động; đóng góp các chương trình vì cộng đồng tại địa phương.

Mô hình HTX Sinh Dược là mô hình HTX sản xuất hàng hóa, ngay từ khi thành lập, HTX đã chú trọng đến nghiên cứu nhu cầu của thị trường và nhận thấy sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng về các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe của con người. Do đó, HTX đã tiến hành sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm như tinh dầu sả, tràm; muối ngâm chân; muối tắm cho bé; xà phòng tắm… đều là những sản phẩm được phát triển từ những liệu pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, lành tính cổ truyền. Trong việc sản xuất các sản phẩm nguồn gốc thảo dược như này, tỷ trọng nguyên liệu đầu vào như cây, muối… rất lớn, tại VN chúng đều do nông dân nắm quyền sản xuất, do đó để kiểm soát được chất lượng đầu vào thì HTX tập hợp những người nông dân trực tiếp trồng, sản xuất nguyên liệu là phương pháp hợp lý.

Đến năm 2018, mô hình sản xuất của Sinh Dược có những sự lan tỏa mạnh mẽ, kết quả đã tạo cảm hứng cho 4 hợp tác xã được thành lập mới, trong đó 1 HTX về du lịch; 1 htx thổ cẩm, du lịch và dược liệu, 2 htx dược liệu; tại Ninh Bình, Lào Cai và Quảng Trị – Việt Nam; đặc biệt có 2 mô hình là do người dân tộc thiểu số thành lập và vận hành. Cùng với đó có thêm 5 tổ hợp tác sản xuất dược liệu mới được thành lập tại Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Để có được sự lan tỏa này, trước hết  là do tính ưu việt của mô hình HTX kiểu mới tại Việt Nam, những ưu đãi từ chính sách của chính phủ dành cho khối kinh tế tập thể rất sâu sát, và quan trọng nhất là để phát triển sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ giá trị văn hóa bản địa thì cần phải lấy con người tại chính địa phương đó làm trọng tâm, do đó mô hình HTX là một giải pháp khả thi, khi lựa chọn mô hình làm kinh tế tại địa phương.

Trong thời gian tới, tính giai đoạn từ 2019-2022, HTX sẽ tiến hành hoàn thiện hệ sinh thái Sinh Dược, lồng ghép các hoạt động sản xuất với các hoạt động du lịch cộng đồng để tận dụng tối đa lợi thế về du lịch địa phương đang có, đồng thời khuyến khích các ”xã viên” tự xây dựng mô hình sinh kế của mình trong hệ sinh thái, để vừa đa dạng nguồn thu nhập,vừa phát triển HTX theo hướng bền vững và góp phần giải quyết triệt để nhu cầu về việc làm cũng như chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »