Hợp tác xã Sinh Dược: Mô hình hợp tác xã chuyên ngành kiểu mới

Tuy mới được thành lập năm 2014 với vô vàn khó khăn nhưng đến nay HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) đi vào hoạt động hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với điều kiện cơ chế thị trường hiện nay.

Gắn tem, nhãn mác hoàn thiện sản phẩm tại HTX Sinh Dược. Ảnh: Đức Lam

Gắn tem, nhãn mác hoàn thiện sản phẩm tại HTX Sinh Dược. Ảnh: Đức Lam

Những ngày trung tuần tháng 5, tới thăm HTX Sinh Dược đúng dịp HTX đang tập trung làm các đơn hàng với số lượng lớn muối ngâm chân thảo dược nên lãnh đạo HTX khá bận rộn. Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đức, vị giám đốc trẻ của HTX cho biết: Theo truyền thuyết, thôn Sinh Dược xã Gia Sinh nổi tiếng có những loài cây được bài chế ra các bài thuốc thảo dược quý đã được khai thác từ thời nhà Lý.

Hiện nay vùng đồi núi Sinh Dược vẫn còn nhiều cây thuốc quý như: Bình vôi, Ngành ngành, Hoài sơn, Khúc Khắc, Bòn bọt, Hà thủ ô, Hy thiêm thảo, Bố chính sâm…Với điều kiện thuận lợi nên nghề chế biến thuốc nam được nhân dân lưu truyền và phát triển dưới hình thức tổ hợp tác nghiên cứu và sản xuất dược liệu. Tuy nhiên hình thức sản xuất này tương đối nhỏ lẻ, manh mún, không thúc đẩy được nghề truyền thống phát triển.

Do đó sự ra đời của HTX Sinh Dược đã trở thành động lực để các thành viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, vươn xa khỏi “lũy tre làng”, bắt nhịp với sự phát triển trong nước và thế giới.

Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh, HTX Sinh Dược được thành lập đầu năm 2014 theo Luật HTX năm 2012 với 10 thành viên và vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng.

Ngành nghề chủ yếu của HTX Sinh Dược là sản xuất các sản phẩm dược liệu tiện dụng như tinh dầu sả, hương nhu, quế, bạc hà, tràm và muối ngâm chân, xà phòng thảo dược.

Ngoài ra, HTX còn kết hợp với nhiều cơ quan tổ chức nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, hiện nay HTX đã khảo sát vùng nguyên liệu và đang liên kết khai thác tại một số địa phương như: Cam Lộ (Quảng Trị); Duy Tiên (Hà Nam); Sapa (Lào Cai).

Đồng thời triển khai đầu tư 3 máy chưng cất tinh dầu tại 3 cơ sở chính: Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Trị. Sản phẩm do HTX làm ra chủ yếu là các loại tinh dầu thiên nhiên và muối ngâm chân đang được khách hàng tin dùng, ưa chuộng.

Hiện nay HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn và có thị trường ổn định tại các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội và một số thành phố lớn trong cả nước.

Với nỗ lực của tập thể lãnh đạo HTX và các thành viên, hoạt động sản xuất của HTX Sinh Dược ngày càng phát triển. Nếu như năm đầu thành lập, hệ thống chiết xuất thảo dược và tinh dầu của HTX mới đạt quy mô 300 tấn nguyên liệu thì đến năm 2015 công xuất đã đạt khoảng 600 tấn nguyên liệu và đến hết quý II năm 2016 HTX đã tiêu thụ 2.000 tấn nguyên liệu.

Ước tính doanh thu năm 2015 của HTX đạt trên 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 50 lao động mùa vụ với mức thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Qua khảo sát thực tế, người tiêu dùng đang đang có xu hướng chuyển về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và dự báo nhu cầu này sẽ tăng cao trong những năm tới.

Bên cạnh đó, HTX có nguồn lao động tại địa phương dồi dào, đa phần có những hiểu biết nhất định về các loại cây và vị thuốc nên nắm bắt rất nhanh quy trình chế biến. HTX lại có đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên ngành trẻ và năng động, có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu các loài thảo dược và bài thuốc quý trong dân gian thành các sản phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng. Những yếu tố thuận lợi trên đã mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho HTX trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đánh giá về những khó khăn mà HTX cần giải quyết khi đầu tư mở rộng sản xuất, anh Nguyễn Văn Đức, giám đốc HTX khẳng định: Cái khó lớn nhất vẫn là vấn đề về vốn và vùng nguyên liệu.

Từ nay đến năm 2019, HTX đề ra mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, nâng công suất tiêu thụ thảo dược lên đến 10.000 tấn/năm. Nhưng hiện nay HTX không chủ động được nguồn nguyên liệu tại địa phương, trong khi nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt.

Dự kiến đến năm 2017 HTX sẽ thiếu khoảng 1.000 tấn nguyên liệu thảo dược, nếu không có kế hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu ngay từ bây giờ HTX Sinh Dược sẽ phải đối mặt với khó khăn trong quá trình mở rộng sản xuất.

Do đó HTX có kế hoạch liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức liên kết với các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các vùng lân cận để đảm bảo vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ công xuất cho các máy chưng cất vận hành và cung ứng kịp thời các đơn hàng lớn trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của HTX chưa được hoàn thiện, thiết bị máy móc thiếu nhiều nên sản xuất phần lớn vẫn còn mang tính chất thủ công và chưa thể đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Trong thời gian tới, HTX mong muốn tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện, hỗ trợ HTX được vay vốn, xây dựng đề án nâng cao năng lực sản xuất, nâng công suất tiêu thụ nguyên liệu thảo dược lên 10.000 tấn, xây dựng các sản phẩm từ thảo dược trở thành sản phẩm phát triển kinh tế bền vững, góp phần quảng bá, phát triển ngành du lịch tỉnh nhà và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ngoài các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, HTX cũng đồng thời tiến hành đăng ký bảo hộ trí tuệ, qua đó sẽ bảo vệ quyền lợi cho chính HTX và người tiêu dùng.

Giáng Hương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »